Đề thi HSG Hoá 9 Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Năm học 2020 – 2021
Đề thi HSG Hoá 9 Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Năm học 2020 – 2021
Câu 1: (2,5 điểm)
1.1.Viết phương trình phản ứng xảy ra trong các thí nghiệm sau:
- Cho a mol NaOH vào dung dịch chứa a mol Ca(HCO3)2.
- Cho mẩu nhỏ kim loại Na vào dung dịch CuSO4.
- Nhiệt phân hỗn hợp gồm NaHCO3 và CaCO3.
- Điện phân dung dịch NaCl, có màng ngăn.
1.2. Cho 5 lọ mất nhãn, mỗi lọ chứa một trong các dung dịch sau: NaCl, Na2SO4, Ba(HCO3)2, NaHCO3, Na2CO3. Chỉ dùng thêm một hóa chất, hãy trình bày cách nhận biết các dung dịch trên và viết phương trình phản ứng xảy ra.
1.3. Kim loại Fe tác dụng với Clo và lưu huỳnh theo hai phương trình phản ứng sau:
Fe + S $\xrightarrow{{{t}^{o}}}$ FeS
2Fe + 3Cl2 $\xrightarrow{{{t}^{o}}}$ 2FeCl3
Từ hai phản ứng trên hãy:
- So sánh tính phi kim của clo và lưu huỳnh. Giải thích.
- Dự đoán khả năng phản ứng giữa Cl2 và khí H2 Viết phương trình phản ứng xảy ra (nếu có).
Câu 2: (2 điểm)
2.1. Hòa thành chuỗi phản ứng sau, ghi rõ điều kiện phản ứng ( nếu có).
Etilen $\to $ Rượu etylic $\to $ Axit axetic $\to $ Etylaxetat $\to $ Natriaxetat.
2.2. Nêu hiện tượng và viết các phương trình phản ứng xảy ra của thí nghiệm sau:
Nhỏ vài giọt dung dịch H2SO4 loãng vào ống nghiệm chứa dung dịch saccarozơ, đung nóng 2-3 phút. Sau đó trung hòa axit bằng NaOH. Nhỏ dung dịch thu được vào ống nghiệm chứa dung dịch AgNO3 trong NH3, đun nóng nhẹ.
2.3. Giải thích tại sao không nên giặt áo quần dệt từ tơ tằm hoặc len lông cừu bằng xà phòng có tính kiềm cao?
2.4. Đốt cháy hoàn toàn x mol hidrocacbon A mạch hở thu được 4x mol H2O. Biết x mol A tác dụng tối đa với x mol Br2. Xác định công thức phân tử và viết công thức cấu tạo của A.
Câu 3: (1,5 điểm)
3.1. Dung dịch hỗn hợp X gồm HCl a (M) và H2SO4 b (M). Cho 200 ml dung dịch X tác dụng vừa đủ với dung dịch BaCl2, sau khi phản ứng kết thúc thu được 4,66 gam kết tủa và dung dịch Y. Cho $\frac{1}{2}$ dung dịch Y tác dụng với 100 gam dung dịch NaOH 6% thì thu được dung dịch chứa hai chất tan có cùng nồng độ mol/l. Tính a và b.
3.2. Hòa tan hoàn toàn m gam muối RCO3 bằng lượng dung dịch HCl 7,3% (vừa đủ), thu được dung dịch muối có nồng độ phần trăm bằng 9,135%. Xác định công thức muối RCO3.
Câu 4: (2 điểm)
4.1. Đốt 4,04 gam hỗn hợp A gồm Fe, Cu, Ag trong khí oxi dư thu được 5,0 gam hỗn hợp rắn B. Hòa tan B trong HCl dư, thu được 7,22 gam muối.
- Viết các phương trình phản ứng xảy ra.
- Tính khối lượng mỗi kim loại có trong hỗn hợp A.
4.2. Cho m gam hỗn hợp gồm Ba và Na vào 400 ml dung dịch Al2(SO4)3 0,15M. Sau khi phản ứng kết thúc, có 34,2 gam kết tủa tạo thành và 4,48 lít khí H2 thoát ra (đktc). Tính giá trị của m.
Câu 5: (2 điểm)
5.1. Người ta điều chế rượu etylic theo sơ đồ sau: Tinh bột $\to $ Glucozơ $\to $ Rượu etylic
Tính khối lượng gạo chứa 80% tinh bột cần dùng để điều chế 50 lit rượu 36,8o. Biết hiệu suất chung toàn bộ quá trình điều chế đạt 75%, khối lượng riêng của rượu etylic là 0,8 g/ml.
5.2. Đốt cháy hoàn toàn m gam hỗn hợp E gồm hai chất béo X và Y cần dùng 8,1 mol khí oxi, thu được 5,7 mol khí CO2. Mặt khác cho m gam E tác dụng với dung dịch NaOH vừa đủ thì thu được 91,6 gam hỗn hợp muối và p gam glixerol. Tính giá trị của p.
————-Hết————
Cho biết H = 1; C = 12; O = 16; Na = 23; Mg = 24; Al = 27; S = 32; Cl = 35,5; Ca = 40; Cu = 64; Fe = 56; Ba = 137; Ag = 108.